Chào mừng ngày phụ nữ Việt Nam 20-10
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập
THPT số 1 Văn Bàn – Gần 50 năm không ngừng phát triển

Văn Bàn là một huyện miền núi phía đông nam của tỉnh Lào Cai, vùng Đông Bắc Việt Nam. Khu vực trung tâm của huyện nằm trọn trong thung lũng xanh được tạo thành bởi dãy núi Con Voi và dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Đó là chiếc nôi dịu dàng che chở cho 11 dân tộc trong huyện. Nơi ấy có trường THPT số 1 Văn Bàn, tiền thân là trường cấp III Văn Bàn, ngôi trường tới nay đã gắn bó với người dân nơi đây trong suốt bề dày gần 50 năm lịch sử, gắn bó với gần 50 thế hệ học sinh đã học tập và trưởng thành từ mái trường này.

Trường được thành lập năm 1972, khoảng thời gian sau 22 năm huyện Văn Bàn được giải phóng. Khi được hỏi về ngôi trường những ngày đầu thành lập, anh Nguyễn Hữu Ái (xin được gọi những học sinh khóa trước là anh, chị, cho dù đến giờ nhiều người đã trở thành những người cha, người mẹ, người chú, người bác, người ông, người bà trong cuộc sống) đã bồi hồi kể lại những câu chuyện về ngôi trường, những câu chuyện không bao giờ phai dấu trong hành trang kỉ niệm của những học sinh ngày ấy. Cả trường chỉ có một lớp thôi, một lớp với 24 học sinh và 3 thầy giáo, thầy Thư, thầy Nghị và thầy Cúc. Ban đầu, trường được đóng tại địa bàn xã Khánh Yên thượng ngày nay rồi sau đó mới chuyển về địa điểm hiện tại. Ít lớp, ít thầy, điều kiện vật chất lại thiếu thốn nhưng ngôi trường thực sự là một gia đình, gia đình chan chứa tình thầy trò, gia đình của tri thức, của tương lai.

Và rồi khi tổ quốc lên tiếng gọi, nhiều học sinh trong trường ngày ấy đã gác bút nghiên, khoác ba lô lên đường ra trận. Họ còn trẻ lắm, mới mười tám, đôi mươi, lứa tuổi đẹp nhất trong cuộc đời. “Chúng tôi đi không tiếc đời mình/ (tuổi hai mươi làm sao không tiếc)/ Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi tổ quốc”, lời thơ của Thanh Thảo như nói giùm suy nghĩ của họ. Trong số những học sinh ấy, có người lên đường chiến đấu tại đất bạn Lào như anh Nguyễn Hữu Ái, có người trở thành người lính của quân chủng không quân bảo vệ vùng trời tổ quốc như anh Nguyễn Hữu Vụ,... có người đã ra đi nhưng không bao giờ trở lại, đó là anh Bùi Văn Đông, anh Nguyễn Văn Lừng. Các anh đã hy sinh, hóa thân vào đất mẹ để góp phần làm nên Tổ quốc này.
Những thế hệ học trò đầu tiên ấy đến nay nhiều người đã trở lại vùng đất Văn Bàn tiếp tục cống hiến cho quê hương, có thể kể đến những cái tên đã và đang làm rạng danh cho quê hương, là niềm tự hào của ngôi trường này, nơi họ đã từng học tập, đó là chị Lê Thị Khánh Hà - nguyên phó Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn, Anh Nguyễn Văn Thuần - Phó Bí thư Huyện ủy và còn nhiều người khác nữa. Không chỉ cống hiến cho quê hương mình, có người đi xây dựng vùng đất khác như anh Đoàn Quốc Huân, PGĐ NHNN quận Thanh Xuân – Hà Nội, chị Bùi Thị Kim Dung - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, anh Nguyễn Văn Hạnh, học sinh khóa 1, hiện nay đang làm công tác khí tượng thủy văn ở đảo Phú Quốc.

Từ một ngôi trường cấp III nhỏ bé, đơn sơ với một lớp, hai lớp rồi ba lớp… và có lần từng bị tố lốc phá hủy gần như toàn bộ cơ sở học tập, trường cấp III Văn Bàn ngày càng lớn mạnh, số lớp ngày càng tăng, cơ sở vật chất dần được nâng cấp, hoàn thiện. Còn nhớ những năm 1999 – 2002, số lớp tăng rất nhanh, từ 3 lớp một khối dần phát triển lên tới 7 lớp một khối. Từ năm 2002 đến 2005, trường tiếp tục tăng mạnh về quy mô với 28 lớp, hơn 1166 học sinh. Dân số tăng, nhu cầu học tập ngày càng nhiều, cả huyện chỉ có một ngôi trường THPT sẽ không thể đáp ứng hết nhu cầu học tập của con em trong huyện. Vì vậy, lần lượt các trường THPT số 2, số 3, số 4 Văn Bàn được thành lập. Và từ đó, trường THPT Văn Bàn được đổi thành trường THPT số 1 Văn Bàn như ngày nay.

Từ năm 2005, nhà trường được xây dựng thêm dãy nhà A4 với 14 phòng học khang trang. Cơ sở vật chất của nhà trường cơ bản được đảm bảo, góp phần tiến tới đạt chuẩn quốc gia về giáo dục.
Sự cố gắng không mệt mỏi của thầy và trò trường THPT số 1 Văn Bàn đã được đền đáp, năm học 2009 - 2010 nhà trường vinh dự được Thủ tướng chính phủ tặng bằng khen; năm 2010 trường THPT số 1 Văn Bàn được công nhận là trường THPT đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001 - 2010. Năm 2012 nhà trường vinh dự được đón Huân chương lao động hạng Ba, Bằng khen của Bộ trưởng bộ giáo dục nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày thành lập trường. Đây là sự ghi nhận to lớn của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền về sự nỗ lực, cố gắng và về những thành tích mà thầy và trò nhà trường đã đạt được.
Vậy là từ năm 1972 đến nay, suốt chiều dài lịch sử gần 50 năm, ngôi trường cấp III Văn Bàn năm ấy, trường THPT số 1 Văn Bàn bây giờ đã thân thuộc, gần gũi gắn bó với nhân dân trong toàn huyện. Con đường đến trường là con đường đến với tương lai của biết bao thế hệ học trò, để rồi hôm nay nhìn lại, bất chợt bao kỉ niệm ùa về trong nỗi nhớ, nhớ thầy cô, bè bạn, nhớ con đường đến lớp, nhớ từng ghế đá, hàng cây…THPT Số 1 Văn Bàn là ngôi trường có nhiều uy tín trong huyện và trong tỉnh, là mục tiêu hướng tới của đông đảo học sinh trên con đường chinh phục, tích lũy hành trang tri thức cho ngày mai.
Chúng ta không quên những thầy cô đã từng nỗ lực cống hiến hết mình cho nhà trường từ ngày đầu thành lập: Thầy Ngô Văn Thư, thầy Phạm Hùng và còn nhiều thầy cô khác nữa. Có những thầy cô đã chuyển trường, có thầy cô còn ở lại. Người thầy gắn bó lâu dài nhất với nhà trường là thầy giáo Đặng Hồng Hạnh, một người thầy, người cha đáng kính. Thế hệ thầy và trò trong trường ngày hôm nay nhắc đến các thầy cô với lòng biết ơn sâu sắc. Ngôi trường THPT Số 1 Văn Bàn luôn mong các thầy cô trở về, trở về trong niềm vui, tự hào với mái trường mình đã từng công tác, trở về với tình thầy trò, đồng nghiệp đầm ấm, thiết tha.
Chúng ta cũng thật vui khi nhắc đến những học sinh ưu tú của nhà trường qua từng thế hệ. Những học sinh không chỉ xuất sắc trong trường mà còn là hạt nhân tri thức tiêu biểu của tỉnh, của quốc gia. Có thể kể tới những cái tên như Lê Trung Toản, Vũ Văn Thu, Nguyễn Đức Tuấn…
Nhìn lại gần 50 năm phát triển của nhà trường ta thấy như một giấc mơ. Từ một lớp học với 24 học sinh và 3 thầy giáo, nay trường đã có 4 dãy nhà khang trang kiên cố với 21 phòng học, 10 phòng chức năng và 59 cán bộ giáo viên, hơn 800 học sinh. Từ thời kì học sinh chỉ lên phòng tin học của nhà trường để… ngắm máy vi tính rồi trầm trồ, ước ao thì đến nay, học sinh đã được học trực tiếp trên máy mỗi giờ Tin học, làm quen với công nghệ hiện đại.

Mỗi ngày qua đi, con người và cuộc sống có nhiều biến đổi, nhưng ngôi trường THPT số 1 Văn Bàn vẫn là điểm đến của biết bao thế hệ học trò. Ngôi trường và thầy cô sẽ mang đến cho các em niềm say mê khoa học, tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, có ý thức giữ gìn từng tấc đất cha ông, biết “uống nước nhớ nguồn”, “tiên học lễ hậu học văn”, biết rung cảm trước cái đẹp, biết cảm thông chia sẻ với những mảnh đời bất hạnh, biết giữ lại cho mình hạt giống hi vọng của nàng Păng-đo cho dù cuộc sống có biết bao khó khăn trước mắt để vươn tới tương lai.

Và cũng từ đây, từ chính ngôi trường này, những lời ca tiếng hát sẽ mãi vang xa./.

Nguồn tin THPT Số 1 Văn Bàn